Xôi nếp tím – món ăn đặc sản vùng cao
Chốn Hà thành có rất nhiều món ngon vật lạ, nhưng thứ quà sáng của người dân nơi đây không thể thiếu xôi. Nổi tiếng nhất hẳn là xôi xéo, rồi đến các loại xôi khác như xôi gấc, xôi ngô, xôi lạc,… Nếu bạn trót món đồ nếp dân dã này, xin đừng bỏ qua xôi nếp tím.
Các vùng dân tộc miền núi rất nổi tiếng với món xôi ngũ sắc, hẳn bạn cũng từng nghe qua. Trong đó, món xôi tím có màu sắc đằm nhất, rất bắt mắt. Đây là loại xôi nhuộm màu, nghe có vẻ đáng sợ nhưng món xôi này được ngâm “màu tự nhiên” nên bạn không cần phải lo lắng về vấn đề sức khoẻ.
Loại lá được dùng chính là “khẩu cắm” trong tiếng Thái, người dân Đông Bắc lại quen gọi lá này là nếp cẩm. Nếp cẩm có hai loại là nếp cẩm xanh và nếp cẩm tím. Nước ép từ hai loại lá này cho ra màu ép khá giống nhau, nhưng khi ngâm gạo thì màu sắc lại khác hẳn. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc, cây khẩu cắm/ nếp cẩm có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Xôi nếp tím được làm từ những hạt gạo nếp nương, đều hạt không lẫn gạo tẻ. Gạo nếp sau khi vo sạch, đem ngâm trong nước từ 6 đến 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải trước khi nhuộm màu xôi.

Gạo ngâm thêm khoảng 2-3 tiếng là đã có thể đem đồ. Thời gian “nhuộm màu” tuỳ thuộc vào độ sánh của nước nếp cẩm. Gạo nếp sau khi nhuộm màu được vớt ra cho vào chõ đồ. Tuy nhiên để đạt màu tím nhạt hay đậm không chỉ tùy thuộc vào độ sánh của nước lá nếp cẩm mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nấu.
Xôi tím phải đồ bằng lửa củi, chõ gỗ được đục từ thân cây sung mới có được mùi vị thơm ngon hơn cả. Nhưng vì điều kiện ở các nhà hàng thành phố hạn chế nên họ thưởng sử dụng bếp ga. Khi hạt gạo chín mềm, hạt xôi dẻo mà không dính, màu tươi, từng hạt bóng và lên màu tím, dậy mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi.

Xôi tím có hương vị thơm ngon, dẻo bùi mà không ngấy, hấp dẫn bởi màu sắc và hương vị lá cây rừng. Bạn có muốn thử món ngon này?
